Tranh luận xung quanh bài “có nên dạy trẻ lập trình

Hôm 5/7/2016, YPC có đăng bài “Có nên dạy trẻ lập trình”, phản biện một số ý trong bài viết trên facebook của tác giả John Vũ (toàn văn trích trong bài đã dẫn).

Hôm nay 10/10/2016, có hai bài cũng trên facebook của tác giả Minh Dang Doan và Dang Trong Hieu,  nêu lên các quan điểm khác nhau về vấn đề mà tác giả John Vũ và YPC đã đề cập. Xin được trích nguyên văn để giới thiệu với quý vị phụ huynh:

Bài của Minh Dang Doan:

Nhân việc tôi và vài bạn bè quan tâm đến vấn đề: tại sao nên (hoặc không nên) dạy trẻ em lập trình từ tuổi nhỏ? Tôi gặp vài ý phản biện của nhóm VNYPC đối với quan điểm của GS John Vu (các bạn cũng đăng lại đầy đủ bài viết đó của John Vu, rất tốt).

Cảm giác của tôi là các bạn VNYPC chưa nắm được một điểm cơ bản của tiến trình giáo dục trẻ em, điểm đó có thể tóm lại trong câu này:

Ở mỗi độ tuổi (chính xác hơn: độ chuẩn bị của đầu óc), con người có khả năng tiếp thu những loại hiểu biết nhất định.

Điều này có lẽ được dạy trong nhiều chương trình về giáo dục học. Các lý thuyết giáo dục không thể không quan tâm đến đặc điểm này, nhằm xây dựng các nội dung học từ dễ đến khó, từ rộng đến sâu, lớp sau phát triển tiếp từ lớp trước.

Hiện nay theo trào lưu giáo dục bổ trợ, có nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực nhảy vào giáo dục, nhằm giúp đào tạo những kỹ năng họ thấy hữu dụng. Xu hướng đó là tốt, khi giáo dục thu hút trí tuệ ở các lĩnh vực khác thì sẽ giúp giáo dục định hướng “sản phẩm đầu ra” tốt hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cần lưu ý bổ sung cho mình các nền tảng lý thuyết về giáo dục học, để tránh hậu quả tác động lên người học khi mình quá lậm về kỹ năng/tri thức chuyên môn của mình (quá tin tưởng nó là chìa khóa cho nhiều vấn đề, nhiều đối tượng, nhiều hoàn cảnh).

Trở lại vấn đề cụ thể đang bàn về việc dạy trẻ em lập trình máy tính, tôi đang tin rằng không cần thiết phải dạy sớm. Trẻ em còn có nhiều thứ khác cần phải học để phát triển tổng thể. Tôi có cảm nhận là giai đoạn tuổi trẻ quan trọng để tạo sự chuẩn bị đầu óc cho trẻ để đón nhận nhiều thứ sẽ đến trong tương lai, nên nếu đi quá sâu (gây nghiện) vào một thứ thì sẽ bỏ mất cơ hội phát triển những thứ khác.

Bài của Dang Trong Hieu:

“Lập trình” cho trẻ em

Trong không khí hân hoan của năm học mới, vấn đề muôn thuở lại được đặt ra : “Nên hay Không nên dạy trẻ X”, sau tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung thì lần này X là “lập trình”. Sau vài tháng dạy thử nghiệm, mình có ý kiến như sau, cũng là để giải đáp một số câu hỏi mà các cha mẹ hay đặt ra.

1. “Lập trình cho trẻ em” là cái gì ?
– “lập trình” là một từ dễ gây hiểu lầm,
trong trí tưởng tượng của đa số, “lập trình” gợi nên những hình ảnh u ám và khủng khiếp như cái màn hình DOS đen sì cách đây 30 năm, những cỗ máy đó đã tạo ra những nhà khoa học điên rồ và những tỉ phú giàu một cách điên rồ không kém.
– “lập trình cho trẻ em” tiếc thay lại không được như thế,
lẽ ra nó phải bị gọi bằng cái tên dài hơn là “câu lạc bộ giúp trẻ em tiếp cận công nghệ máy tính và tư duy logic một cách an toàn và thú vị”. Cái tên sau thì hơi vô duyên nhưng cái tên trước đã dẫn đến một cuộc tranh cãi không đáng có giữa việc nên hay không nên dạy trẻ lập trình thay vì một cách tiếp cận tốt hơn là “trẻ em cần gì ở máy tính”.

2. OK, thế trẻ em cần gì ở máy tính ?
– thực tế là những đứa trẻ sinh ra từ những năm 2000 là một thế hệ bị bao vây bởi công nghệ mới và thực tế đó sẽ đeo bám các em suốt cuộc đời, vậy những gì các em cần là sống chung với công nghệ mà vẫn không mất đi mối quan tâm đến những lĩnh vực phi công nghệ (như âm nhạc, thể thao …), muốn sống chung với công nghệ thì cần phải hiểu ngôn ngữ của nó, đó là lý do của “lập trình cho trẻ em”.

3. “lập trình cho trẻ em là cái gì”?
– không phải là dạy ngôn ngữ của các lập trình viên mà đúng hơn là thông qua các hoạt động trong và ngoài máy tính, trẻ em sẽ tiếp cận các khái niệm từ cơ bản đến phức tạp của việc làm thế nào truyền một thông tin cho máy tính hiểu và thực hiện. Và cũng thông tin thêm là chuyện ấy cũng khá là nhẹ nhàng, không gò ép và kết thúc rất vui vẻ.

4. Con tôi suốt ngày cắm mặt vào máy tính, học cái này xong thì chắc toi.
– theo quan sát cá nhân, các cháu gọi là “nghiện máy tính” thực ra không phải là nghiện máy tính, mà chính xác là nghiện FB, nghiên Youtube, nghiện game, đó là triệu chứng chung của một xã hội “tiêu thụ công nghệ”, việc hướng dẫn một cách đúng đắn sẽ giúp các cháu từ người “tiêu thụ công nghệ” trở thành người “sáng tạo ra công nghệ”.

5. Ngành máy tính này vất vả lắm, tôi không muốn cháu theo.
– trẻ em học toán không phải để thành nhà toán học mà để có tư duy mạch lạc,
học văn không phải để thành nhà văn mà để học mô tả thế giới bằng ngôn ngữ,
và dĩ nhiên học lập trình không phải để thành lập trình viên mà để mô tả thế giới sẽ chờ đợi các em trong tương lai.

Và dĩ nhiên là chẳng may cháu thành lập trình viên thì đúng là vất vả, nhưng mà cũng dễ kiếm việc hơn là nhà thơ hay nhà toán học.

6. thế giới đâu chỉ có lập trình, còn nghệ thuật, thể thao v.v… bỏ vào đâu
– lịch sử thế giới đã chứng kiến rất nhiều bộ môn nghệ thuật, thể thao sinh ra từ công nghệ (điện ảnh, e-sport..) và rồi sẽ còn nhiều lĩnh vực khác sinh ra từ công nghệ mới và rất nhiều đạo diễn, nghệ sĩ là những người có hiểu biết công nghệ đáng nể. Vậy việc các em đam mê công nghệ sớm là một lựa chọn và nên khuyến khích thay vì hạn chế.

7. Tôi hồi bé biết quái gì máy tính đâu, lớn lên vẫn học ngon, vẫn làm chuyên gia CNTT đấy thôi, học làm gì sớm.
– trả lời dài: cách đây mấy chục năm, việc tính toán thường dùng các máy chạy bằng cơm (độn khoai), máy tính điện tử rất đắt tiền và chỉ dành cho các “tay to”, hiện tại máy tính đã xâm nhập bằng nhiều hình thức vào mỗi gia đình, việc viết một chương trình máy tính cũng đã đơn giản hơn rất nhiều.
– trả lời ngắn: thế bác mới làm chuyên gia CNTT, không thì đã thành Bill Gates rồi 😉

Tóm lại, vấn đề khác được đặt ra lại không phải là “dạy hay không” mà là “dạy như thế nào”, trong VNYPC cũng có chuyên gia về giáo dục và có lẽ cần nhiều hơn nữa các ý kiến phản biện khác để “lập trình cho trẻ em” thực sự hướng tới các em chứ không phải hướng tới một cuộc tranh cãi mới.

Về ý kiến của tác giả Minh Dang Doan, YPC phản hồi như sau: Quan điểm của anh Minh Dang Doan là “k0 cần thiết phải dạy sớm”, quan điểm của YPC là “nên cho học sớm nếu trẻ thấy thích”. Hai cái này không có mâu thuẫn gì.

Leave a comment